Bạn đã đọc bài hướng dẫn căn bản trước của chúng tôi về: Những Điều Cần Biết Về Áo Sơ Mi Nam. Giờ đây bạn cần một kiến thức chuyên sâu hơn trong việc xây dựng một tủ đồ đa dạng và đặc sắc cho quý ông theo đúng nghĩa người am hiểu? Hãy nhớ, việc nắm rõ những loại vật liệu may mặc khác nhau là điều cần thiết trong cách chọn áo sơ mi cho nam. Trong bài hướng dẫn hôm nay, chúng ta sẽ nói đến sâu hơn những loại vật liệu khác nhau và những thuật ngữ trong may mặc như sợi vải, chỉ số sợi, sự khác nhau của từng loại vật liệu và chúng sẽ phù hợp trong những tình huống khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ nói thêm về từng biến thể của vải cotton thường được sử dụng.
Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho bài thuyết trình trước một dự án quan trọng của công ty sắp tới. Đây là bài thuyết trình quan trọng nhất từ trước tới nay của bạn. Bạn đã tốt nghiệp từ lâu và đang làm việc cho một công ty trong môi trường casual. Tuy nhiên, đây là một buổi thuyết trình – một bệ phóng cho sự nghiệp của bạn – và bạn cần phải chọn trang phục sao cho phù hợp nhất từ tủ đồ của bạn.
Trong tủ đồ của mình, bạn tìm thấy một chiếc áo sơ mi làm từ polyester từ thời sinh viên. Bạn đành phải chọn nó dù không muốn chút nào để rồi phát hiện ra rằng nó vẫn còn vương vấn những mùi hôi từ những bữa tiệc từ năm hai đại học. Bạn ước rằng chiếc áo sơ mi được phủ một lớp Teflon để tránh bị ố bởi rượu và thức ăn. Vật liệu polyester “óng ánh” càng khiến bạn nguyền rủa rằng sao mình không kiểm tra tủ đồ từ trước. Giờ đây, chiếc áo sơ mi polyester đó đang trở thành chướng ngại cho việc thăng tiến trong sự nghiệp của chính bạn.
Vật liệu áo thường được xem là điều thứ yếu khi xây dựng tủ đồ, thực ra lại đóng vai trò to lớn hơn nhiều so với bạn nghĩ. Đúng vậy, để có một trang phục phù hợp không thể bỏ qua yếu tố này trừ khi bạn thích bị người khác nhận xét là ăn mặc không đúng quy cách, xấu xí hay đáng thất vọng.
Vậy đâu là những loại vật liệu cao cấp dành cho áo sơ mi để bạn không rơi vào tình cảnh lẻ loi trong thời trang? Trước hết, hãy xem xét đến tình huống mà bạn sẽ tham dự, đó là một buổi thuyết trình hay tiệc cưới quan trọng hoặc một bữa tiệc casual thông thường, như đi ăn tối cùng bạn bè. Dưới đây sẽ là bài hướng dẫn chi tiết nhất để bạn tham khảo.
Chỉ số sợi
Con số này nói lên chất lượng của loại vật liệu sử dụng, thường là vải cotton, chúng ta sẽ đi sâu hơn về con số này.
Số sợi – Miêu tả đến độ dày của sợi vải. Số sợi càng nhỏ đồng nghĩa với việc sợi vải sẽ dày hơn và ngược lại, số sợi càng lớn thì sợi vải sẽ càng mỏng, mịn. Sợi vải mỏng, mịn hơn sẽ tạo ra loại vải mềm mại, bền chắc hơn so với sợi vải dày nên số sợi càng lớn thì giá thành cũng tăng theo.
Ply – Chỉ số này nói đến cách sợi vải được dệt trong quá trình sản xuất. 2-ply có nghĩa là nhà sản xuất sẽ xoắn hai sợi vải lại với nhau để tạo thành một sợi vải đơn trước khi dệt. Vật liệu vải 2-ply thường có chất lượng cao hơn so với vải dệt từ một sợi đơn, và tất nhiên với 3-ply hay 4-ply thì chất lượng thuộc hàng top. Do vải thường được dệt theo hai chiều khác nhau (chiều dọc và chiều ngang) nên sẽ có những chỉ số như sau:
2 x 2: Sợi vải 2-ply cả chiều dọc và chiều ngang
2 x 1: Sợi vải 2-ply theo một chiều (ngang hoặc dọc), vải đơn chiều còn lại.
1 x 1: Sợi vải đơn cả chiều dọc và chiều ngang.
Vì sao lại là vải Cotton?
Bạn sẽ thắc mắc vì sao chúng ta lại đem vải cotton làm tiêu chuẩn cho áo sơ mi, điều gì khiến cho cotton lại vượt trội so với những anh em của nó?
Sợi vải cotton có độ xốp cao, điều này làm cho vải thành phẩm có trọng lượng nhẹ và thoáng khí. Chính đặc trưng này giúp vải cotton dễ dàng trong việc nhuộm, khiến đây trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà thiết kế. Vải cotton không cần phải bảo quản kỹ càng như vài loại vật liệu khác như lụa. Tuy nhiên, vì độ xốp của vải cotton, việc vải cotton bị co rút lại là chuyện bình thường. Vào cuối bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào từng loại vải cotton khác nhau.
Vải broadcloth
Broadcloth là loại vật liệu lý tưởng cho áo sơ mi công sở, được sử dụng nhiều trong may mặc. Vải broadcloth có đặc tính nhẹ, mềm, dễ là phẳng và không có họa tiết in chìm khi dệt thành vải. Công đoạn dệt vải broadcloth khá đơn giản, đan xen sợi vải theo chiều dọc và chiều ngang, sợi này nằm dưới sợi kia, cứ thế từng sợi một.
Do đặc tính trên của vải broadcloth, thành phẩm có bề mặt mịn màng với những đường vân nhỏ, khiến chúng trở thành lựa chọn hàng đầu cho những chiếc áo sơ mi mang phong cách formal như nơi công sở hay dùng trong các buổi thuyết trình. Vải broadcloth chất lượng cao đôi khi còn được dệt thành từ hai sợi vải có màu sắc khác nhau, thường là màu trắng và một màu khác. Vải thành phẩm sẽ trông như một màu đơn sắc khi nhìn từ xa.
Áo sơ mi làm từ vải broadcloth đủ nặng để tạo được nếp và không bị nhăn, nhưng vẫn rất nhẹ và thoải mái khi mặc, khiến chúng trở thành loại áo sơ mi đắt tiền và sang trọng.
Vải broadcloth thông thoáng, mát mẻ, phù hợp trong những tháng ngày mùa xuân và mùa hè, hay mặc cùng áo blazer để tăng tính formal cho trang phục.
Vải End-on-end
Chúng tôi có nói đến bên trên, vải end-on-end là vải broadcloth có thiết kế riêng. Đây là loại vải broadcloth có hai sợi vải từ hai màu khác nhau, thông thường là sợi vải trắng và một sợi vải màu, trong đó sợi vải trắng dệt theo chiều dọc còn sợi vải màu dệt theo chiều ngang. Những chiếc áo sơ mi này trông đơn sắc khi nhìn từ xa nhưng càng lại gần thì càng chi tiết hơn.
Vải end-on-end có thể được sử dụng cho trang phục công sở nhưng thường thì chúng được sử dụng trong những buổi đi giao tiếp với đối tác nhiều hơn!
Vải Poplin
Tương tự như vải broadcloth, vải poplin mềm, mịn, trọng lượng nhẹ và dễ là phẳng. Vải poplin cũng rất phổ biến như vải broadcloth nhưng về mặt kỹ thuật thì vải poplin có vài điểm khác biệt. Vải broadcloth thường được dệt với cấu trúc đối xứng (ví dụ, 100 sợi vải theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc), vải poplin lại theo quy tắc bất đối xứng (100 sợi vải theo chiều ngang nhưng chỉ 80 sợi vải theo chiều dọc).
Vải Jacquard
Vải jacquard được dệt theo phương pháp riêng, thiết kế tối ưu cho vật liệu vải có họa tiết. Điều này đồng nghĩa phương pháp dệt cũng phức tạp hơn rất nhiều so với những loại vải kể trên. Họa tiết trên vải jacquard cũng đa dạng, từ những họa tiết hình học đơn giản như chấm bị, cho đến họa tiết hình thoi hay hình paisley phức tạp.
Vải jacquard là lựa chọn lý tưởng để tăng tính thẩm mỹ cho tủ đồ của bạn. Thông thường, mặt sau của vải jacquard sẽ phản chiếu hình ảnh mặt trước của vải.
Vải Dobby
Vải dobby, thường được xem là vải dệt sang trọng, tương tự như vải jacquard, cũng có những họa tiết hình học để trông nổi bật hơn. Việc thay đổi số lượng sợi vải theo chiều dọc giúp cho người thợ dệt tạo ra được những họa tiết độc nhất trên vải dobby.
Sự khác biệt giữa vải dobby và jacquard nằm ở chỗ loại khung dệt được sử dụng. Trong trường hợp vải dobby, số lượng sợi vải theo chiều dọc được quyết định bởi con thoi. Khi con thoi di chuyển lên xuống, toàn bộ sợi vải do con thoi điều khiển sẽ cùng di chuyển theo. Kết hợp với giới hạn số con thoi của một khung dệt, số lượng họa tiết phức tạp của vải dobby cũng bị ảnh hưởng theo.
Tuy nhiên, với vải jacquard, người thợ dệt có thể điều chỉnh số lượng sợi vải dệt theo chiều dọc cách độc lập, cho phép dệt thành những họa tiết phức tạp và chi tiết hơn.
Họa tiết trên vải dobby rất độc đáo và chống nhăn tốt khiến chúng trở thành lựa chọn tốt cho đồng phục công sở.
Vải Twill
Vải twill có đặc trưng bởi những đường dệt chéo và đa dạng. Vải twill luôn có phản quang, tuy nhiên mức độ có thể khác nhau tùy thuộc cách dệt, loại sợi vải và màu sắc của sợi vải. Cách dệt vải twill khiến vải trở nên rất mềm mại khi sờ vào nhưng trọng lượng nặng hơn so với vải broadcloth và poplin.
Vải twill được dệt bởi hai sợi vải đôi nằm ngang, một sợi trên và một sợi nằm dưới sợi vải nằm dọc để tạo họa tiết đường chéo. Vải twill thường có họa tiết chi tiết, như họa tiết xương cá, houndstooth hay bắt chéo.
Về tổng thể, vải twill là loại vải mềm và dày, chống nhăn rất tốt. Đây là loại vải lý tưởng cho áo sơ mi công sở hàng ngày hay phong cách bán formal hiện đại.
+ Họa tiết xương cá
Áo sơ mi họa tiết xương cá, một biến thể phổ biến, được cấu tạo từ hai kiểu dệt twill đối xứng nhau tạo hình trông như một dải xương cá. Họa tiết này đã có tuổi đời hàng thế kỷ, trở thành họa tiết kinh điển. Áo sơ mi họa tiết xương cá có đầy đủ ưu điểm của vải twill, do đó đây là loại áo rất dễ là phẳng. Tương tự như vải twill, vải xương cá có độ mịn, họa tiết đẹp và hơi phản quang.
Việc có họa tiết khiến vải xương cá trở thành loại vải tuyệt vời, phù hợp cho cả những chiếc áo formal hay casual.
+ Họa tiết houndstooth
Một biến thể khác của vải twill, họa tiết houndstooth được làm từ hai sợi vải đôi nằm chồng lên hai sợi vải dọc bên dưới. Khi được dùng làm áo sơ mi, họa tiết houndstooth trở thành loại họa tiết có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với phong cách bán formal và casual.
Vải Oxford
Vải oxford, loại vải phổ biến trong áo sơ mi, là loại vải tốt nhất cho những trang phục casual. Vải oxford dày hơn so với những loại vải “mịn” ở trên, làm cho áo sơ mi từ vải oxford có độ bền cao và chống nhăn cực tốt.
Vải oxford còn được biết đến với cái tên vải kiểu đan giỏ, bao gồm nhiều sợi vải ngang nằm chồng lên sợi vải dọc. Thông thường, một sợi vải màu sẽ bắt chéo với một sợi vải trắng nhằm mục đích tạo cho áo sơ mi oxford có vẻ ngoài kẻ sọc.
Vải oxford có kết cấu thô và hơi ráp. Ban đầu, chúng được thiết kế để làm trang phục thể thao, do đó vốn không được xem là trang phục công sở.
Áo sơ mi oxford tốt nhất không nên đi cùng với cà vạt, phối với quần chinos/quần denim tối màu nếu đi ăn tối hay đi chơi cuối tuần! Vải oxford dày phù hợp cho những tháng ngày trời trở lạnh.
Vải Pinpoint oxford
Pinpoint, có cấu trúc tương đồng như vải oxford nhưng được làm từ sợi vải mảnh hơn, dẫn đến áo sơ mi loại này trông formal hơn so với oxford thông thường nhưng không sánh được như vải broadcloth, poplin hay twill.
Do đó, áo sơ mi pinpoint oxford không phù hợp cho những sự kiện formal, song chúng là lựa chọn tốt cho đồng phục công sở hàng ngày. Với cấu trúc dày (tương tự kiểu đan giỏ của vải oxford), vải pinpoint oxford có độ bền khá cao.
Vải Royal oxford
Bạn đang tìm một chiếc áo sơ mi phù hợp với mọi hoàn cảnh? Hãy thử qua vải Royal Oxford. Vải royal oxford được dệt với cấu trúc 2-3-2, tạo nên vật liệu vải có kết cấu đẹp và rõ ràng.
Áo sơ mi royal oxford có thể sử dụng cho cả nơi công sở theo phong cách casual hay formal. Đây là loại áo sơ mi oxford tuyệt vời nhất.
Vải Chambray
Vải chambray, tuy được may theo phương pháp tương đồng như broadcloth hay poplin nhưng với sợi vải dày, do đó phù hợp với trang phục công sở hàng ngày, không phù hợp với những sự kiện formal như broadcloth hay poplin.
Vải chambray được dệt với những sợi vải màu nằm dọc và sợi vải trắng nằm ngang. Vải chambray là loại vải trọng lượng nhẹ lý tưởng hơn so với denim, vốn được thiết kế với kiểu dệt twill với sợi vải rất dày.
Vải Denim
Vải denim, thường được sử dụng để may quần jeans, có thể được dùng để may những chiếc áo sơ mi công sở với độ bền cực cao. Áo sơ mi denim thường được may theo kiểu dệt twill, với sợi vải màu bắt chéo sợi vải trắng. Màu thường sử dụng trong áo sơ mi denim là màu xanh đen, nâu và tím.
Áo sơ mi denim là lựa chọn tốt nhất trong những tháng mùa thu hay đông.
Những loại vải Cotton khác nhau
Vải Cotton Ai Cập
Vải cotton Ai Cập có sợi vải dài nhất – khoảng 4cm hay dài hơn – là loại vải cotton mảnh nhất thế giới, do đó là tiêu chuẩn vàng trong làng may mặc. Vải cotton Ai Cập có tính chất mềm mại như lụa và bền chắc. Ngày nay, Ai Cập đã xuất khẩu những loại vải cotton có chất lượng thấp hơn nhưng sợi vải lại dài hơn so với tiêu chuẩn trên.
Vải Cotton Sea Island
Vải Cotton Sea Island được sản xuất trên những hòn đảo phía nam South Carolina, Texas, Florida. Loại vải cotton đắt tiền, chất lượng cao này được cấu tạo từ những sợi vải dài, bền chắc, mảnh mai – chúng có chất lượng tương đương với vải cotton Ai Cập.
Vải Cotton Pima
Vải Cotton Pima, với sợi vải dài, có giá thành thấp hơn so với vải cotton Ai Cập và Sea Island. Vải Pima là tên gọi chung (vinh danh cộng đồng da đỏ Pima ở Tây Nam Hoa Kỳ) với những sợi vải dài. Những nhà sản xuất chủ yếu loại vải này là Hoa Kỳ, Úc và Peru.
Lưu truyền rằng có một biến thể khác là vải Lycra, được “pha” với sợi vải khác để tăng độ bền. Vải Lycra thường được sử dụng làm áo sơ mi bó hay ôm sát người.
Tổng kết
Chúng ta đã đi qua rất nhiều thông tin chi tiết và bổ ích. Chúng tôi sẽ tổng kết những thông tin chính bạn cần nắm:
Khi tìm mua một chiếc áo sơ mi, hãy lưu ý đến chất lượng của chiếc áo. Ngoài những chiếc áo làm từ vải cotton Ai Cập có độ mịn cao nhất, những loại vải có chỉ số sợi cao với cấu trúc 2-ply đồng nghĩa với chiếc áo có chất lượng cao hơn. Hãy lưu ý rằng chỉ số sợi càng cao thì áo sơ mi càng mịn và dễ bị nhăn hơn.
Với trang phục công sở hay formal, vải broadcloth, end-on-end và poplin (hai loại vải sau là biến thể của vải broadcloth) là lựa chọn lý tưởng. Những chiếc áo sơ mi loại này có cấu trúc thông thoáng, mát mẻ và phù hợp với thời tiết mùa xuân và hè.
Một lựa chọn khác cho trang phục công sở là vải jacquard hay dobby.
Những chiếc áo có tính linh động cao, phù hợp cho cả nơi công sở hay bán formal là loại áo sơ mi vải twill, xương cá hay houndstooth (hai loại vải sau là biến thể của vải twill)
Những áo sơ mi kém formal hơn bao gồm áo sơ mi oxford, nhưng có thể mặc nơi công sở theo phong cách casual.
Để tạo vẻ ngoài thoải mái hơn, chúng tôi khuyên bạn tìm mua áo sơ mi chambray hay denim.
Và đó là tất cả trong bài hướng dẫn hôm nay! Chúng tôi mong rằng bạn sẽ vui và thích thú với bài viết này như chúng tôi vậy. Hãy chia sẻ hướng dẫn này đến với những người mà bạn yêu thích, vì chắc chắn rằng họ đang cần biết về nó.